Foie gras là một trong những món tinh tế phổ biến nhất của ẩm thực Pháp. Khác với gan vịt hoặc ngỗng thông thường, Foie gras là món ăn giầu chất, ngậy béo nhưng mùi vị lại tinh tế. Foie Gras có thể được bán nguyên cái, hoặc đã được sơ chế thành dạng mousse ( được xay nhỏ và mịn), hay pa-tê. Foie Gras được dùng như món ăn đi kèm với các món khác ví dụ như bánh mì hoặc thịt nướng.
Trong tiếng Pháp, từ foie gras còn có nghĩa là gan béo, để chỉ gan vịt hoặc gan ngỗng. Gan béo tuyệt hảo bởi lớp bơ béo đặc trưng có trong gan vịt, ngỗng. Để sản xuất gan ngỗng hay gan vịt, người nuôi phải vỗ béo vịt, ngỗng từ 12 đến 18 ngày để gan sản sinh ra mỡ. Trong giai đoạn này, ngỗng được vỗ béo bằng phương pháp nhồi, thức ăn đặc biệt bằng ngô hoặc các loại ngũ cốc khác nên gan sẽ sản sinh ra mỡ và có kích thước to hơn hẳn. Ngày nay, Pháp là nước sản xuất và tiêu thụ Foie Gras lớn nhất thế giới.
Gan ngỗng là một món ăn tinh tế hoàn toàn nhờ hương vị tự nhiên mà trở nên độc đáo. Thưởng thức gan ngỗng thường phải từ tốn để cảm nhận vị béo và mùi thơm của gan như tan dần trên đầu lưỡi một cách nhẹ nhàng, quyến rũ đến lạ lùng. Một vị béo nhẹ phảng phất, không gắt, không hăng, trôi xuống cổ mà không có cảm giác ngậy. Vì vậy mà tay nghề chế biến của đầu bếp cũng được đòi hỏi cao. Cách chế biến món gan ngỗng kỳ công thuộc hàng bậc nhất trong các loại thực phẩm.
Gan ngỗng thường được biết đến với món patê danh tiếng, nhưng thực ra gan ngỗng tươi áp chảo mới là tuyệt phẩm của món này. Khi áp chảo, phải để lửa thật chính xác bởi quá nóng thì gan sẽ bị cháy và mất mỡ dẫn đến không còn độ béo, còn thiếu lửa thì gan không chín tới, mùi tanh rất khó ăn. Món gan ngỗng áp chảo thường dùng kèm với bánh mì cắt lát sấy khô, thêm miếng xoài chua ngọt là tròn vẹn vị giác người ăn.
Còn món patê gan ngỗng mang màu nâu sáng và có phần mỡ màng hơn so với các loại patê khác nhờ một lớp viền mỡ vàng ươm óng ánh. Patê ngọt, mát và thanh tao chứ không mặn, không hăng mũi. Patê gan ngỗng ngon nhất chỉ đơn giản là dùng kèm với loại bánh mì đặc ruột, được nướng qua để lớp mặt se lại, phía ngoài có độ giòn nhẹ nhưng không cứng, phần ruột vẫn xốp mềm hay cũng có thể ăn với bánh mì sandwich nướng. Nhưng khi phết patê, phải cắt gan ngỗng thành từng lát nhỏ rồi đặt lên miếng bánh và thưởng thức từ từ, bởi vị ngon của gan ngỗng nằm ở chỗ phải được thưởng thức cho vẹn nguyên.
Ở Việt Nam, món gan ngỗng béo đã được du nhập vào TP.Hồ Chí Minh vài năm qua nhưng đã được cải tiến ít nhiều để phù hợp với khẩu vị người Việt. Những đầu bếp tài hoa đã biến tấu gan ngỗng thành những món nước xốt và xúp độc đáo. Đi kèm với gan ngỗng thường là rượu champagne hoặc vang trắng