Tại Châu Âu, thì ngoài Tây Ban Nha, các quốc gia ven miền Địa Trung Hải như Pháp, Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, đều dùng safran trong công thức chế biến món ăn của mình. Do vậy, rất khó có thể nào xác định nghệ tây là gia vị riêng của một dân tộc nào.
Safran (tiếng Anh gọi là Saffron) ban đầu được dùng như một loại dược thảo trước khi làm gia vị. Chất safran được lấy từ nhụy hoa của cây Crocus Sativus, hay thường gọi là cây nghệ tây, rất khác với củ nghệ ta. Cây nghệ tây cùng họ với hoa diên vĩ, hoa xuyên tuyết (iris, glaieul, perce neige) còn sativus có nghĩa là sợi tơ.
Cây thường trổ hoa vào mùa thu, đóa hoa có nhụy màu đỏ thẫm như màu gỗ mít và thường được các nhà đầu bếp sử dụng như gia vị hay như bột nhuộm màu tạo ra một màu vàng óng ánh rực rỡ cho các món ăn, món mặn cũng như món ngọt.
Trong safran có một chất tự nhiên có thuộc tính chữa bệnh, vì nhụy hoa có khả năng làm giảm áp huyết. So với các dân tộc Âu Mỹ, người Tây Ban Nha ít mắc các chứng bệnh tim mạch, phải chăng một phần là nhờ dùng safran trong các món ăn, và điều độ trong cách uống rượu vang. Dù gì đi nữa, safran lần đầu tiên được trồng ở Hy Lạp và Ba Tư, được ghi chép trong sử sách có từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, dưới triều vua Assurbanipal của vùng Asyrria bao gồm cả Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Safran hiện là một trong những loại gia vị đắt tiền nhất thế giới tính theo khối lượng. Tính trung bình, mỗi kg safran hiện giờ là khoảng 4 nghìn euro.
Tại Châu Âu, thì ngoài Tây Ban Nha, các quốc gia ven miền Địa Trung Hải như Pháp, Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, đều dùng safran trong công thức chế biến món ăn của mình. Do vậy, rất khó có thể nào xác định nghệ tây là gia vị riêng của một dân tộc nào.